Du Lịch

Lầu Ông Hoàng đó…

Tôi thật sự ngạc nhiên khi được một “thổ địa” dẫn đi ngang qua dốc Ông Hoàng và kể nhiều câu chuyện liên quan đến Lầu Ông Hoàng. Quả thật, đến Bình Thuận nhiều lần, thậm chí ghé thăm tháp Pô-sah-nưi dưới chân nhưng lại chưa lên đến Lầu Ông Hoàng lần nào. Đây có lẽ là một may mắn mới được bổ sung nhờ anh “thổ địa”.

 Lầu Ông Hoàng chỉ còn là phế tích​  

Ghi dấu chuyện tình

Đứng tại vị trí Lầu Ông Hoàng (đồi Bà Nài) ở phường Phú Hài, Tp. Phan Thiết, chúng tôi có thể ngắm toàn cảnh không gian khu vực biển trước mặt và đồi Bà Nài thơ mộng. Đây cũng là một trong những điểm hiếm hoi mà du khách có thể ngắm bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp. Theo như anh bạn đi cùng, dốc Ông Hoàng và đồi Bà Nài là nơi ngắm mặt trăng tuyệt đẹp. Chính vì thế, Hàn Mặc Tử đã dắt Mộng Cầm đi dạo rất nhiều nơi đây, từ đó cho ra đời những áng thơ tình bất hủ.

Dốc và Lầu Ông Hoàng ghi dấu cuộc tình lãng mạn của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm. Đó là một câu chuyện đẹp nhưng cũng đầy trắc trở, kéo dài khoảng 1,5 năm. Lần cuối Hàn Mặc Tử đến đây cũng là lần cuối cùng gặp được Mộng Cầm. Bởi sau lần chia tay ở đây, Hàn quay trở lại Huế, rồi vào Quy Nhơn. Tiếp đó, Hàn vào điều trị bệnh phong ở Tuy Hòa cho đến lúc qua đời.

Từ Lầu Ông Hoàng và đặc biệt với Mộng Cầm, Hàn Mặc Tử đã sáng tác nhiều bài thơ lay động lòng người. Điển hình nhất là bài “Phan Thiết! Phan Thiết!”: “Ta lang thang tìm tới chốn lầu trăng. Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang. Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết. Ơi trời ôi! Là Phan Thiết! Phan Thiết….Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ! Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng”.

Từ hơi thở của câu chuyện tình và những áng thơ của Hàn cũng đã được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết nên bản nhạc nổi tiếng “Chuyện tình Hàn Mặc Tử”. Trong đó, có đoạn: “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa. Lầu ông Hoàng đó thủa nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng…”.

Ông Hoàng là ai?

Theo thông tin từ BQL Di tích tại Lầu Ông Hoàng, đây là khu thắng cảnh và di tích gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử. Từ năm 1910 – 1911, công chức Pháp tên là De Montpensier khởi công xây dựng biệt thự để làm nơi nghỉ dưỡng mỗi khi ông đến Phan Thiết để du lịch và săn bắn. Lầu Ông Hoàng được xây dựng trên đồi Bà Nài với 13 phòng, đồng thời có máy phát điện và hồ chứa nước ngầm (nước mưa) rất hiện đại. Sau khi biệt thự xây xong, người dân Phan Thiết quen gọi là Lầu Ông Hoàng từ đó. Đến năm 1017, De Montpensier bán lại dinh thự này cho Prasetts, một chủ khách sạn người Pháp. Về sau, vua Bảo Đại mua lại nên vì thế có người gọi là Lầu Ông Hoàng Bảo Đại.

Năm 1930 – 1935, địa danh này cũng là nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử và nữ sĩ Mộng Cầm đến ngắm trăng và sáng tác thơ. Năm 1946, thực dân Pháp xây dựng khu đồn bót bên cạnh Lầu Ông Hoàng nhằm bảo vệ tuyến đường từ Phan Thiết đi Mũi Né (nay là đường Nguyễn Thông).

Đường vào Tháp Pô-sah-nưi và Lầu Ông Hoàng

Đến năm 1947, một tiểu đội thuộc Đại đội Hoàng Hoa Thám cải trang sĩ quan Pháp và lính tập kích tiêu diệt hoàn toàn đồn, diệt và bắt 35 tên lính Pháp, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có khẩu đại liên Vicker. Trong kháng chiến chống Pháp, biệt thự Lầu Ông Hoàng đã bị hủy hoại hoàn toàn.

Ngày nay, con đường từ Phan Thiết đi Mũi Né đã mở rộng, đổi thành tên đường Nguyễn Thông khang trang và sạch đẹp. Dốc Lầu Ông Hoàng cũng thoai thoải, tạo cho khách lãng du ngang qua một chút dư âm về những chứng tích lịch sử đã qua.

Thanh Tùng

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Back to top button