Thăm lại ngục Kon Tum

Tháng 9, bầu trời Kon Tum trong xanh và nhiều đám mây bàng bạc. Trong cái se lạnh của tiết trời vùng cực Bắc Tây Nguyên, chúng tôi trở lại thăm mảnh đất đỏ đầy nắng gió, nơi có con sông Đăk Bla hiền hòa nhưng chảy ngược và đã được nghe nhiều câu chuyện về lịch sử đấu tranh của nhân dân Kon Tum trong quá khứ.
Cụm tượng đài “Bất khuất” trong khuôn viên Nhà truyền thống Ngục Kon Tum
Nằm núp mình dưới những hàng xà cừ cao vút, trải bóng mát soi xuống bên bờ con sông Đắk Bla lộng gió. Trong một khuôn viên rộng gần 3ha, quần thể di tích Ngục Kon Tum bao gồm Cụm tượng đài “Bất khuất”, nhà tưởng niệm, nhà truyền thống và 02 mộ tập thể của các chiến sĩ cách mạng tại nhà ngục Kon Tum những năm 30 của thế kỷ XX.
Đến thăm Ngục Kon Tum, một thời được ví là “địa ngục trần gian”, nơi giam cầm hơn 500 lượt tù chính trị trong Cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh (1930- 1931) gần một nửa trong số đó vĩnh viễn đã nằm lại mảnh đất vùng cực Tây của Tổ quốc. Sự hy sinh của họ luôn được các thế hệ người Việt Nam mãi mãi khắc ghi.
Gông cùm, một minh chứng cho tội ác của thực dân Pháp đối với những người Cộng sản Việt Nam
Sự hà khắc, dã man tàn bạo của kẻ thù chỉ có thể giam cầm, đày đọa được thể xác chứ không thể dập tắt, giết chết ý chí cách mạng của những người Cộng sản. Đỉnh điểm của tinh thần cách mạng là vào ngày 12/12/1931, tại ngục Kon Tum đã diễn ra “Phản đối đi Đăk Pét”, “phản đối đánh đập, bắn giết tù chính trị”, “phản đối đi làm đường 14” và cuộc “Đấu tranh lưu huyết”, cuộc “Đấu tranh tuyệt thực”. Thực dân Pháp đã xả đạn vào những người tù chính trị đang bị giam giữ trong nhà lao, kể cả những người tù chính trị đã biểu tình tuyệt thực 4-5 ngày, không còn sức lực.
Ngục Kon Tum là biểu tượng cho ý chí, nghị lực, lòng quả cảm và tinh thần bất khuất của những người Cộng sản. Cũng tại nơi này, ngày 25/9/1930, đã ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum ngay trong lao tù của thực dân Pháp và trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum. Ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa-Thông tin nay là Bộ VHTTDL công nhận ngục Kon Tum là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Du khách tham quan mô hình Ngục Kon Tum, tại gian trưng bày tiền sảnh mô phỏng nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng
Theo BQL Di tích ngục Kon Tum, mỗi năm vào dịp lễ, Tết, luôn có rất nhiều khách trong nước, quốc tế tới đây tham quan học tập, dâng hương. Nhà truyền thống Ngục Kon Tum hiện đang trưng bày 400 hiện vật cùng hơn 500 trang tư liệu quý. Cứ mỗi độ Hè về, học sinh lại trở về đây tham quan, để hiểu rõ về lịch sử đất nước, biết công lao của thế hệ cha ông.
Nếu có cơ hội đến Kon Tum, du khách hãy dành chút thời gian ghé qua di tích lịch sử ngục Kon Tum để hiểu hơn về những năm tháng anh hùng của dân tộc Việt Nam cũng như thêm tự hào về tinh thần kiên cường, bất khuất của cha ông ta.
Bài và ảnh: Sơn Gia Phúc
(*) Bài viết có sử dụng tư liệu trong Hồ sơ di tích Ngục Kon Tum -Tài liệu lưu trữ của Ban Quản lý Di tích